Thứ Sáu, 14 tháng 3, 2014

Tìm hiểu các thể loại game


Nếu trước kia game chỉ xoay quanh 4 thể loại hành động, chiến thuật, nhập vai hay phiêu lưu; thì nay, việc phân chia như vậy chỉ còn là giải pháp “làm nhanh, làm tắt”. Bởi vì, nhà phát triển liên tục sáng tạo ra những thể loại “lai” hoặc thể loại mới. Do đó, thay vì “ép” thể loại cho game, bạn có thể mô tả đặc điểm, cách chơi...


Bài viết này chỉ đơn giản giới thiệu sơ bộ một số thể loại game đang có mặt trên thị trường và ưu tiên gọi tên bằng tiếng Anh cho... chắc ăn!

Action (hành động) 
Gồm tất cả tựa game có liên quan đến... tất nhiên là... hành động, đề cao khả năng chiến đấu của nhân vật trong từng khu vực rộng lớn; ít sử dụng câu đố, thông điệp phức tạp, trận đánh tay đôi (nếu có thì là lúc đánh trùm).

Dạng phổ biến nhất là các trò chơi first-person point-of-view (1st PPOV, góc nhìn người thứ nhất): người chơi “nhìn” bằng mắt của chính nhân vật. Dạng này yêu cầu người chơi phải có khả năng phản xạ nhanh, phối hợp tay-mắt tốt, am tường các loại vũ khí trong game và hợp phong cách “chạy và bắn”; nên còn gọi first-person shooter (FPS). Bạn đã chơi Half-Life 2 chưa? Đây là game tiêu biểu cho FPS. Trong game, người chơi sẽ phải tự “nghiên cứu” công dụng và sức sát thương của từng loại vũ khí để sử dụng hiệu quả nhất. 

Một dạng khác là third-person point-of-view (3rd PPOV, góc nhìn người thứ ba): người chơi quan sát từ phía trên hoặc từ sau lưng nhân vật; và vị trí quan sát có thể thay đổi. Dòng game Prince of Persia (chuyến phiêu lưu của chàng hoàng tử Ba Tư) được xếp vào dạng third-person action (TPA). Còn kiểu chơi “chạy đâu bắn đó” của siêu chiến binh trong Lost Planet là đại diện cho dạng third-person shooter (TPS).

Role-playing (nhập vai, RPG)Với RPG, người chơi vào vai một nhân vật hoặc một nhóm để tham gia các sự kiện, giao tiếp với các nhân vật “phụ” NPC (non-player characters), tham gia các cuộc chiến (theo lượt hoặc thời gian thực) với một quá trình xây dựng nhân vật thông qua việc tăng cấp độ (level up), phát triển các kỹ năng (skill), tính cách... Thế giới trong RPG thường lấy bối cảnh châu Âu xưa với các phép màu huyền bí, hoặc lấy bối cảnh giả tưởng đậm chất “fantasy”. 

Action-role-playing (nhập vai hành động, Action RPG) nhấn mạnh sự khám phá các vùng đất và áp dụng kiểu chiến đấu theo thời gian thực, ví dụ game Two Worlds. Action RPG tương đối dễ chơi.

Còn dạng RPG nhấn mạnh vị trí, tốc độ, tầm đánh của nhân vật trong trận chiến được gọi là tactical role-playing (nhập vai chiến thuật, Tactical RPG) hoặc turn-based role-playing (nhập vai theo lượt), ví dụ Final Fantasy Tactics, Disgaea. Dạng này thường phức tạp và “khó nuốt” hơn Action RPG.

Adventure (phiêu lưu)Nét cơ bản của adventure là khám phá các vùng đất, tìm các vật dụng và giải đố; có rất ít hoặc không có các cảnh mang tính “hành động”. Khác với RPG, adventure có rất ít hoặc không có sự phát triển nhân vật, cũng như không tăng cấp độ.

Các game “tiên phong” của thể loại này vốn được thể hiện dưới dạng chữ (text-based). Ngày nay, khi adventure được phát triển theo phong cách di chuyển chuột “point-and-click”, người chơi có thể quan sát nhân vật và khung cảnh xung quanh bằng góc nhìn người thứ nhất hoặc thứ ba. Tuy nhiên, góc nhìn ít ảnh hưởng đến lối chơi của thể loại game này. 

Game phiêu lưu có cốt truyện rất chặt chẽ và rất dài, đòi hỏi người chơi phải vận dụng “trí tuệ”, lòng nhẫn nại và sự quyết đoán để chọn hướng đi tốt nhất. Chuyến du hành vào lòng đất Journey To The Center of The Earth sẽ “dìm” bạn bằng những câu đố phức tạp. 

Strategy (chiến thuật)Strategy chú trọng cách quản lý nguồn tài nguyên và quân đội trước những đối thủ do máy hoặc người chơi khác điều khiển và hầu hết đều “dính dáng” chiến tranh. Nhìn chung, có 2 dạng phân biệt được là real-time strategy (chiến thuật thời gian thực, RTS) và turn-based strategy (chiến thuật theo lượt, TBS). 

RTS có đặc trưng là hành động (diễn biến) xảy ra liên tục, không ngừng do danh sách các lệnh được đưa ra liên tục, đòi hỏi người chơi phải có cách “điều binh khiển tướng” hợp lý. Tiêu biểu là Starcraft: Brood War hay Warcraft III: Frozen Throne. 

Còn với đặc thù các hành động bắt buộc dừng theo định kỳ để đặt vào các lệnh, TBS đòi hỏi người chơi phải biết cách tính toán “nặng nhẹ” cho mỗi lượt đi của mình. Dòng game “trung thành” với TBS là Heroes of Might and Magic.

Thể loại này có một số rất ít game không lấy đề tài chiến tranh mà hướng về kinh tế hoặc chính trị, như Monopoly Tycoon.

Các thể loại khác “nhỏ” hơn
• Survival horror (kinh dị). Gần giống action-adventure nhưng luôn tạo ra cảm giác sợ hãi và tình trạng hồi hộp cho người chơi. Yếu tố kinh dị thường được tạo ra từ ma quỷ, linh hồn, các xác chết di động (zombie). Game dạng này không dành cho những người mắc bệnh tim. Không tin? Bạn có thể “so tim” cùng hai dòng game Silent Hill và Resident Evil, hoặc tập làm quen với Cold Fear.

• Simulation (mô phỏng). Yêu cầu duy nhất của simulation là phải mô phỏng làm sao cho càng giống thế giới thực càng tốt, thường mô phỏng một “nghề” nào đó như Virtual Skipper 3, hoặc là cả một “thế giới ảo” The Sims. Một số game “tycoon” thuộc thể loại này còn được xem là nhánh rẽ từ thể loại strategy như Zoo Tycoon, Hospital Tycoon. Chính vì mang yếu tố “bắt chước” giống simulation, một số game được gán thành dạng “sinh sau” như racing simulation, flight simulation..., chẳng hạn Microsoft Flight Simulator. 

• Sports (thể thao). Được xem là một nhánh rẽ của simulation, sports mô tả một môn thể thao của thế giới thực diễn ra trong môi trường 3D. Game thường được tổ chức theo cơ cấu mùa giải, và cho phép người chơi đảm nhận các vị trí huấn luyện viên, ông bầu... bên cạnh các tính năng trao đổi, chuyển nhượng cầu thủ, quản lý ngân sách. Ở thể loại này, hiện nay ít game nào có thể qua mặt “vua bóng đá” FiFa của Electronic Arts.

• Puzzle (giải đố). Đây là lĩnh vực dành cho những người yêu thích các câu đố cực... khó, hơn hẳn adventure. Game đòi hỏi người chơi giải quyết nhanh chóng (và phải chính xác) các vấn đề đã được đặt ra theo hướng suy luận logic. Đôi khi các vấn đề này lại được lồng ghép, xâu chuỗi để tăng độ khó. Không ít người đã tỏ ra bối rối trước Chain Reaction vì không tìm được lời giải phù hợp. 

• Rhythm (âm nhạc). Game tập trung âm nhạc và thời gian, điều khiển bằng cách nhấn nút trên một bộ điều chỉnh thông thường hoặc thực hiện thao tác trên một thiết bị đặc biệt như dance pad hay microphone. Ví dụ: Dance Dance Revolution.

• Fighting (đối kháng). Đặc trưng của thể loại này là những trận so tài tay đôi giữa các nhân vật. Dòng game tiêu biểu: Tekken, Street Fighter.

• Racing (đua xe). Đặc trưng là các cuộc đua có tính thời gian giữa các nhân vật hoặc các loại xe cộ.

• Vehicular combat (đua xe chiến đấu). Có thể xem là một dạng action “lai” racing nhưng chú trọng nhiều vào chiến đấu hơn là các thao tác “bẻ cua” trong khi chơi. Thể loại này có Twisted Metal: Black, Destruction Derby.

• Party- hay Entertainment (giải trí). Là dạng game ngắn, đơn giản, được thiết kế cho nhiều người chơi và... dễ chơi, như Fuzion Frenzy 2. 

• Massively-multiplayer online (MMO). Đặc trưng của thể loại này là có một số rất đông người tham gia trong một thế giới liên tục, qua sự giao tiếp cộng đồng trực tuyến với những người chơi khác. Dạng gặp nhiều nhất là massively-multiplayer online role-playing game (MMORPG - game nhập vai trực tuyến nhiều người chơi) như Võ Lâm Truyền Kỳ hay Thế Giới Hoàn Mỹ. Dạng “rồng cuộn hổ phục” đang chờ cơ hội khai hỏa là massively-multiplayer online first-person shooter (MMOFPS - game bắn súng trực tuyến góc nhìn người thứ nhất nhiều người chơi) với tiêu điểm Huxley của Webzen (Hàn Quốc). Còn một dạng nữa đang trong giai đoạn “tìm thành công” là MMO Strategy (game chiến thuật trực tuyến).

Multiplayer online casual game (MOCG). Đây là dạng trò chơi trực tuyến mà không cần thiết phải chiến đấu với các nhân vật NPC, chủ yếu là thi đấu giữa những người chơi với nhau, thông qua hình thức tạo phòng (room) và chọn đối thủ một cách ngẫu nhiên. Gunbound, Audition là các tựa MOCG xuất hiện sớm nhất ở Việt Nam.

Điểm sơ vài thể loại phổ biến, chắc bạn đã nắm được cách phân chia thể loại game dựa vào một số tiêu chí nhất định. Cũng như bất kỳ hệ thống phân loại nào, việc phân định thể loại game cũng gây lắm tranh cãi! Có thể bạn cũng “tức mình” muốn trao đổi thêm về bài viết, vậy đừng ngại ngần trao đổi với Thế Giới Game. Có 3 phần quà “nho nhỏ xinh xinh” dành cho những ý kiến đóng góp hay nhất cho bài viết này.

(nguồn: http://www.pcworld.com.vn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét